Trong một bài tham luận của Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy đánh giá tiềm năng nguồn điện gió Việt Nam có thể phát triển khoảng trên 100 nghìn MW. Trong đó, tiềm năng điện gió ngoài khơi chiếm từ 50 – 60%. Thế nhưng tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có duy nhất 1 dự án điện gió ngoài khơi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khảo sát là dự án điện gió Thanglong Wind – khu vực ngoài khơi mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận.
Với việc nguồn cung điện đang được đánh giá là rất khó khăn, cả chục dự án của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và 100% dự án có tầm ảnh hưởng rất lớn của các tập đoàn như PVN, TKV đều đang chậm tiến độ nghiêm trọng thì việc trông đời nguồn cung từ các dự án điện năng lượng tái tạo càng trở nên quý giá.
Đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho biết: “Trong mục tiêu của Tổng sơ đồ điện VII hiệu chỉnh thì tầm nhìn tới năm 2030 Việt Nam cần tới 20% sản lượng điện từ các nguồn NLTT (điện gió, điện mặt trời). Tuy nhiên, để nguồn điện gió nối được vào hệ thống điện quốc gia thì nguồn điện gió cần thỏa mãn một số yêu cầu về mặt kỹ thuật đảm để nối được vào hệ thống điện quốc gia như: Tần số, điện áp, dòng điện đều giao động theo tốc độ gió, theo độ bức xạ mặt trời có nghĩa là lúc mạnh, lúc yếu, có lúc ngừng gió, hoặc khi tắt mặt trời …
Vậy để nối vào được hệ thống điện quốc gia phải đảm bảo các yêu cầu như: ổn định tần số, ổn định điện áp, ổn định phụ tải, nhằm kết nối hệ thống điện quốc gia vận hành trong trạng thái an toàn và ổn định” – ông Ngãi cho biết.
Mặc dù vậy, ông Ngãi cũng tin tưởng: “Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà là một dự án có khả năng hiện thực cao, có công suất lớn đầu tiên được triển khai xây dựng ở Việt Nam”.
Trên thực tế, các dự án điện gió ở Việt Nam chưa nhiều, mới chỉ có 4 dự án điện gió được đưa vào khai thác với tổng công suất khoảng 159.2 MW. Trong đó nhà máy điện gió Bạc Liêu là (99.2 MW), Tuy Phong (30 MW), Phú Qúy (6 MW) và Phú Lạc (24 MW).
Dự kiến, những dự án này nâng tổng tổng công suất lên khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030.
Tuy nhiên, với đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) rằng Việt Nam là nước có tiềm năng điện gió lớn nhất Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt hơn 513.000 MW, cao gấp 6 lần công suất dự kiến của ngành điện vào năm 2020 và lớn hơn nhiều so với tiềm năng các nước trong khu vực như Thái Lan (152.392 MW), Lào (182.252 MW) và Cambodia (26.000 MW) thì con số dự kiến khai thác được thực sự quá khiêm tốn.
Một kỳ vọng rất lớn đang đặt lên vai những người “đi tìm lô gió” của Dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Bình Thuận sẽ tối ưu hoá nguồn nội lực của Việt Nam. Hy vọng, với tổng vốn đầu tư lên tới gần 12 tỉ USD để phát triển dự án điện gió ngoài khơi, trong tương lai, Việt Nam có thể trở thành quốc gia có công trình điện gió với công nghệ tân tiến nhất trên thế giới.