Ngày 11-6, Hiệp hội Điện gió Toàn cầu (GWEC) phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Đại sứ quán Đan Mạch đồng tổ chức Hội nghị Điện gió Việt Nam lần thứ 2. Đây là diễn đàn quan trọng để ngành năng lượng đối thoại với các nhà hoạch định chính sách về các vấn đề lớn liên quan đến phát triển năng lượng gió.
“Mở khóa” cho điện gió
Bà Liming Qiao, Giám đốc khu vực châu Á, GWEC cho biết: Tiếp nối thành công của Hội nghị Điện gió Toàn cầu lần đầu diễn ra năm 2018, Hội nghị Hiệp hội Điện gió Toàn cầu lần thứ 2 năm 2019 sẽ tập trung vào phương án thúc đẩy huy động tài chính cho các dự án điện gió tại Việt Nam.
Theo ông Naveen Ballachandran, Cố vấn đặc biệt của GWEC, điện gió là một trong những ngành phát triển nhanh nhất thế giới. Chỉ tính riêng năm 2017, tổng vốn đầu tư toàn cầu cho điện gió đạt mức 107 tỷ USD với hơn 1,15 triệu lao động trên toàn thế giới. Tới năm 2025, điện gió có thể trở thành động lực phát triển chính hướng tới tương lai năng lượng bền vững và sẽ là tình hình chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Điện gió đã tạo ra động lực thúc đẩy thị trường năng lượng gió của Việt Nam và thu hút một loạt các dự án khác. Hiện đã có 228MW công suất điện gió được lắp đặt và Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu công suất điện gió 800MW vào năm 2020, 2.000MW năm 2025 và mức 6.000MW năm 2030.
Phân tích trở ngại lớn nhất trong huy động tài chính và dòng tiền mặt cho các Dự án Điện gió tại Việt Nam, ông Jootst Siteur, Trưởng ban huy động đầu tư, Chương trình Năng lượng sạch Châu Á Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID Clean Power Asia) cho rằng, các nhà đầu tư quốc tế nhìn thấy nhiều yếu tố rủi ro trong thị trường mới nổi này, cụ thể như luật trọng tài, cắt giảm, chấm dứt và bảo lãnh Chính phủ, giấy phép, giá cả và xây dựng năng lực… tất cả đều phải được tính đến khi “mở khóa” tiềm năng thị trường cho năng lượng gió ở Việt Nam.
Quy hoạch ngành điện gió ngoài khơi
Ông Alastair Dutton, Chủ tịch Đội hoạt động chuyên sâu về năng lượng gió ngoài khơi, GWEC cho biết: Thực tế, đầu tư vào các nhà máy điện gió ngoài khơi khó khăn hơn các nhà máy điện trên bờ và đây cũng là một khoản đầu tư rủi ro cho các nhà đầu tư tư nhân. Bởi chỉ có những nhà đầu tư đủ hiểu biết về các khía cạnh tài chính và kỹ thuật mới có thể chấp nhận rủi ro. Ngoài ra, các nhà đầu tư năng lượng gió sẽ phải đối mặt với nhiều hạn chế hơn so với những người trong ngành năng lượng mặt trời, cụ thể sẽ mất thời gian để kiểm tra địa điểm; sản xuất và vận chuyển các thành phần tua-bin gió… đặc biệt là việc thiếu thông tin đánh giá về tiềm năng điện gió ngoài khơi cũng như khả năng nối lưới các dự án sau khi hoàn thành.
Đánh giá các ảnh hưởng của các Dự án Điện gió ngoài khơi đối với môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết: Hiện các trạm đo gió trong hệ thống trạm quan trắc khí tượng của Việt Nam chỉ đo ở tầm thấp nên hầu như không có dữ liệu gió trên cao để phục vụ cho công tác đánh giá tiềm năng năng lượng gió phục vụ xây dựng điện gió ngoài khơi.
Bên cạnh đó, các dự án điện gió hiện nay được yêu cầu phải nằm trong quy hoạch điện lực hoặc chưa thì phải được bổ sung vào quy hoạch. Cụ thể, đối với các dự án điện gió ngoài khơi, trong tương lai phải phù hợp với quy hoạch sử dụng biển, quy hoạch không gian biển. Vì vậy, thời gian tới, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam rất cần sự hỗ trợ về mặt kinh phí và công nghệ, trang thiết bị để có thể tiến hành điều tra, đánh giá tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi cho toàn vùng biển Việt Nam. Bên cạnh đó, đề nghị được chia sẻ các thông tin, số liệu khảo sát chi tiết từ các dự án điện gió đã và đang thực hiện để đưa vào hệ thống cơ sở dữ liệu biển quốc gia.